Văn hoá Internet đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn hoá Việt Nam đương đại. Xã hội Internet Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, các năng lực người dùng Internet Việt cũng tăng trưởng đáng kể khiến cho các kết nối xã hội trong môi trường Internet càng ngày càng trở nên phổ biến. Văn hoá Internet Việt định vị một cách rành mạch trong lòng hệ thống văn hoá Việt Nam với những giá trị đặc thù trên hệ toạ độ Chủ thể - Không gian - Thời gian.
Tại thời điểm này, nhóm chủ thể quan trọng nhất của văn hoá Internet Việt có thể xác định là thế hệ người Việt trẻ có độ tuổi từ 35 trở lại, tức là thuộc thế hệ 7x về sau. Họ chủ yếu phân bố ở khu vực đô thị và nông thôn cận đô thị. Tuy nhiên, trong một tương lai dân số được dự báo, chủ thể văn hoá Internet Việt Nam trong một tương lai không xa nữa sẽ là đại đa số người dân Việt Nam, chứ không chỉ còn là nhóm dân số trẻ tập trung ở khu vực đô thị như hiện nay.
Không gian văn hoá Internet Việt Nam sẽ rời bỏ những ý niệm không gian văn hoá truyền thống như không gian làng xã, không gian nước với nhiều phép tắc, quy củ ràng buộc để tiếp cận với những ý niệm không gian “mờ” hơn, tự do hơn và vì thế mà cũng ít quy củ hơn.
28 trang |
Chia sẻ: builinh123 | Lượt xem: 1689 | Lượt tải: 5
Bạn đang xem trước 20 trang tài liệu [Tóm tắt] Luận án Xã hội internet và văn hóa Việt Nam đương đại, để xem tài liệu hoàn chỉnh bạn click vào nút DOWNLOAD ở trên
rong xã hội Internet và bị biến đổi như thế nào bởi ảnh hưởng của xã hội này?
Liệu có thể có “bản sắc văn hóa” trong xã hội Internet?
Xã hội Internet tác động trở lại làm thay đổi xã hội thực như thế nào? Xã hội thực chịu ảnh hưởng thế nào của xã hội Internet?
Nhận diện những hiện tượng va chạm văn hóa trong quá trình phát triển xã hội Internet ở Việt Nam.
Đối tượng nghiên cứu của luận án là mối quan hệ tương tác giữa xã hội Internet (với cả nghĩa rộng là xã hội Internet nói chung và nghĩa hẹp là xã hội Internet Việt Nam) với văn hoá Việt Nam và kết quả của sự tương tác đó. Khái niệm “văn hoá Việt Nam” được đề cập trong luận án này được hiểu là kết quả tích hợp bao gồm cả các giá trị truyền thống lâu đời được thừa nhận và các giá trị mới hình thành nhưng đã ổn định trong nền văn hoá Việt Nam trước khi có sự ảnh hưởng rõ rệt của xã hội Internet. Thuật ngữ “đương đại” được luận án sử dụng theo nghĩa “đang hiện hữu”, tức là bao gồm những gì đang diễn ra và cả những gì là truyền thống vẫn đang còn tồn tại hiện nay.
Đề tài quan tâm trực tiếp đến những hiện tượng xã hội Internet có liên quan đến người dùng Việt Nam và tiếng Việt. Về thời gian, luận án chủ yếu quan sát các hoạt động của xã hội Internet Việt Nam kể từ năm 2005 đến nay, tức là kể từ khi xã hội Internet Việt Nam phát triển nhanh nhờ những tiến bộ vượt bậc về Internet băng thông rộng ở Việt Nam.
Luận án chọn các môi trường dịch vụ Internet có tính công cộng, cho phép người nghiên cứu thâm nhập và thực hiện khảo sát trên diện rộng như website, diễn đàn, phòng chat công cộng, mạng xã hội, trò chơi trực tuyến. Cụ thể: 123 website chính quyền, doanh nghiệp, trường học, tổ chức đoàn thể, xã hội; 54 diễn đàn trực tuyến; mạng xã hội Facebook, ZingMe; dịch vụ chat Yahoo Messenger; mạng blog Yahoo, WordPress; trò chơi trực tuyến BarnBuddy, Võ lâm truyền kỳ.
0.4. Phương pháp nghiên cứu và nguồn tư liệu
Phương pháp hệ thống-cấu trúc: được sử dụng để nghiên cứu bao quát và toàn diện về xã hội và văn hoá Internet, quan sát đầy đủ các thành phần của hệ thống văn hoá Internet.
Phương pháp liên ngành: được sử dụng để tổng hợp các thông tin và kết quả nghiên cứu của những ngành có liên quan như văn hóa học, xã hội học, tâm lý học, nghiên cứu truyền thông.
Phương pháp so sánh: được sử dụng để phân tích những tương đồng và khác biệt giữa các hiện tượng và giá trị văn hoá.
Phương pháp điền dã: được sử dụng để thâm nhập thực tế, và với đề tài này, phương pháp điền dã được sử dụng là điền dã trực tuyến thông qua các hình thức truy cập Internet khác nhau và đóng vai để thâm nhập bối cảnh của xã hội Internet.
Phương pháp điều tra xã hội học bằng bảng hỏi: Khảo sát trực tuyến trên diện rộng về “Văn hóa Internet” với 1.086 người tham gia trả lời, trong đó có 65% nữ, 76% ở độ tuổi 18 – 30, 42% học sinh, sinh viên, 28% thuộc giới văn phòng, 14% ở Hà Nội, 61% ở TP.HCM, 23% ở các tỉnh thành khác và 2% ở nước ngoài. Ngoài ra, luận án còn thực hiện một khảo sát bổ sung là “Khảo sát Internet riêng tư” và một vài khảo sát nhỏ khác trên Facebook.
Về tư liệu nghiên cứu, chúng tôi khai thác chủ yếu là nguồn tư liệu trực tuyến công cộng trên Internet trong các website, các diễn đàn, phòng chat, blog, mạng xã hội.
0.5. Bố cục luận án
Chương 1 “Cơ sở lý luận và thực tiễn” trình bày các vấn đề và khái niệm liên quan đến Internet, xã hội Internet và văn hoá Internet, làm tiền đề cho những bàn luận và phân tích ở hai chương tiếp theo.
Chương 2 “Quan hệ giữa xã hội Internet với văn hoá Việt Nam”, tập trung nhận diện và phân tích mối quan hệ và tương tác giữa xã hội Internet với văn hoá Việt Nam thông qua một phân tích hệ thống về tiểu văn hoá Internet Việt Nam và lập danh sách các thế đối lập văn hoá giữa xã hội Internet với văn hoá Việt Nam.
Chương 3 “Một số biến đổi văn hoá Việt Nam dưới tác động của xã hội Internet” nhận diện và phân tích các biến đổi văn hoá Việt diễn ra trên ba bình diện: văn hoá cá nhân, văn hoá cộng đồng và văn hoá gia đình.
Chương 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN
1.1. Từ INTERNET đến XÃ HỘI và VĂN HOÁ INTERNET
1.1.1. Tổng quan về Internet
Internet là một hệ thống toàn cầu của các mạng máy tính kết nối với nhau dựa trên việc cùng sử dụng bộ chuẩn giao thức Internet (TCP/IP) để phục vụ cho hàng tỷ người dùng trên toàn thế giới. Internet thực chất là một “siêu mạng máy tính”, tích hợp của nhiều máy tính và mạng máy tính khác nhau bao gồm mạng của cá nhân, của tổ chức công cộng, của doanh nghiệp, của cơ quan học thuật, và của chính phủ, từ phạm vi địa phương đến phạm vi toàn cầu, được liên kết bởi nhiều công nghệ kết nối điện tử khác nhau. Vì thế, Internet chứa một nguồn tài nguyên và dịch vụ thông tin rộng lớn.
Khả năng hội tụ công nghệ đã đem lại cho Internet ngày nay một diện mạo phong phú hơn rất nhiều và khiến nó trở nên gần gũi và hiện hữu rõ ràng hơn với đời sống con người. Ngoài máy tính, Internet đã có mặt ở hầu hết các loại thiết bị điện tử sinh hoạt khác như tivi, máy in, máy photocopy, máy fax, máy nghe nhạc, điện thoại di động, thậm chí là ở đồng hồ, kính đeo mắt, và tương lai còn là các vật dụng theo thiết kế IoT. Internet cũng được phân phối trên các môi trường khác nhau như mạng điện thoại hữu tuyến, mạng điện thoại không dây, đường lưới điện, cáp truyền hình, sóng vệ tinh, Sự phát triển vượt bậc của công nghệ kỹ thuật số cũng cho phép con người tích hợp vào Internet một khối lượng dữ liệu khổng lồ thông qua con đường số hoá, và phát triển năng lực truyền thông của Internet tiến nhanh về phía truyền thông đa phương tiện (multimedia).
Internet với vai trò trung gian kết nối các máy tính và các mạng máy tính với nhau, thêm vào đó là hình thức tồn tại của Internet ngày nay vô cùng phong phú, đa dạng như vừa nêu khiến việc xác định một ranh giới rõ ràng về Internet với các phương tiện truyền thông khác trở nên rất “mờ”. Đến mức, nhiều nhà nghiên cứu đã gọi Internet bằng những cái tên đặc biệt. Ví dụ, mạng Internet đã được gọi là “siêu phương tiện truyền thông” (super-medium) theo cách gọi của Jansson, là “phương tiện truyền thông siêu việt” (meta-medium) theo cách gọi của Fagerjord, hay là “phương tiện truyền thông lai ghép” (hybrid-medium) theo cách gọi của Sveningsson, Lövheim, và Bergquist.
Và cũng chính bối cảnh công nghệ đặc biệt do mạng Internet tạo ra đó đã mở đường cho sự hình thành và phát triển một cấu phần mới trong nền văn hoá nhân loại làm thay đổi rất nhiều cảnh quan văn hoá hiện đại.
Sự phát triển bùng nổ về phương diện xã hội của Internet, đặc biệt là sự phát triển theo cấp số nhân các kết nối xã hội giữa hàng tỷ người dùng Internet đã thúc đẩy Internet phát triển thành một trung tâm tri thức nhân loại, là một nguồn dự trữ và tái tạo thông tin khổng lồ mà không một thư viện nào có thể sánh bằng. Tốc độ các tài liệu, tư liệu, dữ liệu của nhân loại đang được số hóa và chuyển tải vào Internet ngày càng tăng. Bên cạnh đó, hàng loạt những nỗ lực cung cấp các giải pháp, tiện ích để quản lý, khai thác và sử dụng tài nguyên thông tin Internet được dẫn đầu bởi những công ty dịch vụ Internet lớn như Google đang biến Internet thật sự thành một “thiên đường văn hóa” – nơi mà con người hầu như có thể tìm kiếm chỉ trong giây lát những giá trị thông tin cần thiết phục vụ cho cuộc sống của mình và của mọi người. Internet trở thành địa chỉ cung cấp tài nguyên văn hóa mà con người hiện nay có xu hướng nghĩ đến trước tiên mỗi khi có nhu cầu tìm hiểu các vấn đề về cuộc sống cá nhân và đời sống xã hội.
Sự thay đổi quan trọng mà Internet đem lại cho đời sống văn hóa nhân loại là Internet đã thúc đẩy phát triển việc phân phối tri thức theo mô hình đa phương – đồng đẳng, chứ không phải chỉ phân phối tri thức theo mô hình định tuyến – phân tầng theo các thế hệ tri thức như trước.
Internet cũng trở thành “kênh phân phối” các giá trị và sản phẩm văn hoá. Sách báo, âm nhạc, hội hoạ, điện ảnh, văn chương, đều đã được “phân phối” đến người thưởng thức thông qua Internet. Thậm chí Internet đang có xu hướng trở thành “kênh phân phối chính” với một số trường hợp, tiêu biểu là âm nhạc và điện ảnh.
Khả năng hội tụ công nghệ của Internet cũng đã tạo ra một kịch bản mới về truyền thông văn hóa – đó là truyền thông đa phương tiện (multimedia). Các giá trị văn hóa trước đây vốn phụ thuộc rất nhiều vào các dạng phương tiện vật chất mang chứa chúng, thì giờ đây đều có khả năng hội tụ qua kịch bản số hóa và dễ dàng được chia sẻ trên Internet. Chính thực tế này đã hậu thuẫn cho sự bùng nổ về truyền tải các file nhạc, file ảnh và tạo ra những thói quen mới về hưởng thụ văn hóa và giải trí trên môi trường Internet. Một khía cạnh khác về vai trò cung cấp và phân phối các giá trị văn hóa của Internet là sự khởi động xu thế “văn hóa miễn phí” trên môi trường Internet. Đó là một xu thế của xã hội Internet ủng hộ và thúc đẩy sự tự do phân phối và sửa đổi các công trình sáng tạo dưới hình thức của “nội dung miễn phí” thông qua Internet. Nhờ Internet mà việc trao đổi thông tin trở nên hết sức thuận tiện, đặc biệt là khi Internet trở thành môi trường hội tụ các công nghệ truyền thông khác nhau, hoạt động trao đổi văn hoá giữa các nhóm người, giữa các dân tộc, quốc gia cũng được thúc đẩy. Internet là nhân tố làm cho bức tranh toàn cầu hoá về văn hoá trở thành hiện thực.
Trong vai trò một tác nhân chuyển đổi văn hóa, Internet mở rộng khả năng tiếp cận các nguồn văn hoá bên ngoài thông qua không gian công cộng Internet, tăng cường đáng kể năng lực kết nối văn hóa – hỗn dung văn hóa – phát tán văn hoá trên môi trường Internet. Internet là một môi trường ‘mở’ cho thể nghiệm văn hoá - một trong những điều kiện quan trọng để tạo ra các chuyển đổi văn hoá. Internet đang tạo ra những tiền đề quan trọng cho chuyển đổi văn hoá Việt Nam thông qua các thể nghiệm văn hoá. Internet có ba nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy nhiều thể nghiệm mới. Nhân tố đầu tiên là không gian tiếp xúc và giao lưu văn hoá toàn cầu của Internet. Nhân tố thứ hai là giới trẻ - chủ thể chính của xã hội Internet, nhóm xã hội có động lực mạnh mẽ và năng lượng bền bỉ trong việc tìm tòi các thể nghiệm của cuộc sống. Nhân tố thứ ba là công nghệ kỹ thuật số. Internet là môi trường hội tụ của công nghệ này chứa đựng nhiều khả năng và động lực cấp tiến nhất. Kỹ thuật số trên thực tế đang tạo ra một “nền văn minh” mới. Kỹ thuật số không đơn giản là cho phép đem đến những sản phẩm kỹ thuật mới, mà còn bổ sung một thay đổi về cơ bản cách thức con người sản xuất ra các giá trị, đặc biệt là các giá trị vật chất của con người.
1.1.2. Khái niệm “Xã hội Internet”
Những định nghĩa thông thường nhất về xã hội thường đề cập đến một nhóm người cùng chia sẻ với nhau lãnh thổ, có cách thức tổ chức xã hội và những mối quan hệ văn hóa riêng. John J.Macionis định nghĩa xã hội là “một cộng đồng người tương tác với nhau trong một lãnh thổ giới hạn và cùng chung một văn hoá”. Định nghĩa mà Macionis tổng kết, ngoài việc thừa nhận các dấu hiệu nội hàm như lãnh thổ, như văn hoá, còn nêu thêm một dấu hiệu nữa là sự tương tác giữa các cá thể với nhau trong cộng đồng. Để có thể tương tác với nhau, các cá thể trong một cộng đồng chắc chắn phải cần đến những môi trường và phương tiện cho phép họ kết nối và tiếp xúc được với nhau.
Khái niệm Xã hội Internet có thể được tiếp cận với hai mức nghĩa khác nhau. Mức nghĩa thứ nhất, xã hội Internet được quan niệm là một xã hội toàn cầu hình thành nhờ sự phát triển các mối quan hệ xã hội giữa những người dùng với nhau trên môi trường mạng Internet, là một cộng đồng trực tuyến có năng lực kết nối xuyên biên giới, tương tác đa ngôn ngữ, giao tiếp liên văn hóa và cùng chia sẻ một kiểu lãnh thổ, kiểu tổ chức xã hội và các mối quan hệ văn hóa mang tính phổ quát. Có thể xem mức nghĩa này của khái niệm “xã hội Internet” là tương ứng với khái niệm “xã hội loài người” vẫn hay được dùng trong thực tế. Mức nghĩa thứ hai, xã hội Internet được quan niệm là một cộng đồng người dùng Internet cụ thể nào đó được nhận diện và phân lập dựa trên những đặc điểm về quốc tịch, ngôn ngữ, tập quán văn hóa và môi trường pháp lý có liên quan. Một cách nói như “xã hội Internet Việt Nam” chính là được xác lập theo mức nghĩa thứ hai vừa nêu. Trong luận án này, người viết chọn khái niệm làm việc chính là khái niệm xã hội Internet với mức nghĩa thứ nhất.
Có thể nhận diện xã hội Internet dựa trên ba đặc trưng: lãnh thổ – tổ chức xã hội – văn hóa. Về lãnh thổ, không gian mạng Internet, ban đầu chỉ là một không gian kỹ thuật thuần tuý xác lập một môi trường truyền tin phục vụ thông tin liên lạc, nhưng sau đó lại phát triển các đặc trưng phi kỹ thuật khác một cách rất nhanh chóng để trở thành một không gian xã hội. Kiểu tổ chức xã hội và những mối quan hệ văn hoá đặc thù của xã hội Internet cũng đã được nhận diện thông qua những yếu tố căn bản cấu thành nên nó như luật lệ, quy ước, nghi thức, tập quán, đạo đức, trách nhiệm, Một số yếu tố xã hội ban đầu liên quan đến đời sống của “công dân ảo” trên Internet, những yếu tố phản ánh mức độ cố kết của xã hội Internet, đã được hình thành một cách rõ ràng như: đạo đức và trách nhiệm xã hội, quy ước xã hội, luật lệ, nghi thức xã hội, tập quán xã hội và hoạt động xã hội. Những yếu tố này cũng ngày càng được đẩy mạnh tốc độ hoàn thiện để tạo dựng những nền móng vững chắc hơn cho sự phát triển của xã hội Internet. Có thể nói, giai đoạn đầu “hỗn mang” của xã hội Internet đã ở phía sau. Xã hội Internet đã được “cấu hình” rành mạch với những phân định chức năng có hiệu lực rõ ràng hơn.
1.1.3. Khái niệm “Văn hóa Internet”
Văn hoá cần được định nghĩa dưới nhiều góc độ. Chỉ với cách đó mới có thể khái quát hết bản chất đa diện và đa dạng của nó. Định nghĩa kiểu miêu tả kinh điển nhất về văn hoá được nhắc đến nhiều là của Edward B. Tylor (1832-1917), mô tả bao quát văn hoá như một tổng thể phức hợp những gì mà con người thu nhận được với tư cách là một thành viên xã hội. Edward Sapir (1884-1939) và những người cùng có cách nhìn lịch sử định nghĩa văn hoá như là một hệ thống phức hợp của quan điểm, tập quán và cách ứng xử mà con người bảo tồn được theo truyền thống. Các định nghĩa văn hoá từ góc độ tâm lý học thường nhấn mạnh vào quá trình thích nghi với môi trường mà qua đó con người hình thành thói quen và ứng xử. Văn hoá theo góc nhìn đó, là tổng thể những thích nghi của con người với các điều kiện sinh sống. Kiểu định nghĩa nguồn gốc về văn hoá thường tập trung vào việc nhận diện văn hoá như là kết quả của quá trình sáng tạo hay cải biến thế giới xung quanh bởi con người và có tác động trở lại chính con người. Kiểu định nghĩa cấu trúc về văn hoá tập trung vào việc nhận diện và phân xuất các thành tố của văn hoá, được xem là một hệ thống có cấu trúc xác định. Ngoài ra, còn có những định nghĩa xem văn hoá là các giá trị vật chất và tinh thần của các cộng đồng hay xem văn hoá như là một tập hợp các đặc trưng nhiều mặt của một xã hội hay một cộng đồng. Trần Ngọc Thêm định nghĩa “văn hoá là một hệ thống hữu cơ của các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích luỹ qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”. Cách định nghĩa này thừa nhận văn hoá như là một hệ giá trị con người được sáng tạo và tích luỹ qua thời gian. Những từ khoá “con người”, “môi trường”, “quá trình”, theo Trần Ngọc Thêm, cũng giúp xác định mối quan hệ giữa văn hoá với một hệ tham số mà ông gọi là hệ toạ độ ba chiều Chủ thể – Không gian – Thời gian (C-K-T). Với cách tiếp cận hệ thống - cấu trúc, Trần Ngọc Thêm còn phân xuất các thành phần của một hệ thống văn hoá với các bộ phận như: văn hoá nhận thức – văn hoá tổ chức cộng đồng – văn hoá ứng xử với môi trường tự nhiên – văn hoá ứng xử với môi trường xã hội.
Văn hoá Internet có thể được hiểu một cách đơn giản là những vấn đề văn hoá của con người với tư cách là người dùng Internet có “đời sống” trên môi trường mạng Internet. Đây là một bộ phận mới của nền văn hoá nhân loại nổi lên từ việc con người sử dụng mạng máy tính để giao tiếp - giải trí - làm việc, phát triển gắn liền với Internet và các hình thức mới khác của mạng lưới truyền thông hiện đại (mạng điện thoại di động, wifi-3G,).
Trong giới nghiên cứu Internet, khái niệm “văn hoá Internet” (Internet culture) thường được quy về khái niệm “văn hoá ảo” (cyberculture). Theo đó, những bộ phận chính cần quan tâm trong lĩnh vực này là văn hoá của các cộng đồng trực tuyến (online community), game online (online multi-player gaming), truyền thông xã hội (social media), thực tại ảo (vitual reality - VR), thực tại tương tác (augmented reality - AR), văn hoá nhắn tin và những vấn đề liên quan đến nhân thân (identity) và riêng tư (privacy) trên môi trường ảo.
Luận án quan niệm văn hoá Internet là những vấn đề văn hoá đặc hữu của cộng đồng người người dùng Internet. Đó trước hết là những vấn đề nhận thức về Internet - một môi trường mạng mang tính kỹ thuật chịu tác động của chính nó để trở thành một môi trường giàu tính xã hội như hiện nay. Thứ hai, đó là những vấn đề về tổ chức cộng đồng Internet - một cộng đồng có tính kết nối toàn cầu với nhiều những đặc trưng xã hội hoàn toàn mới mẻ. Thứ ba, đó là những vấn đề về ứng xử với Internet – một môi trường sống thứ hai hoàn toàn mới mẻ của con người. Thứ tư, đó là những hiện tượng và giá trị văn hóa liên quan đến các bộ phận, các khu vực tiêu biểu của Internet như mạng xã hội, diễn đàn trực tuyến, game online, truyền thông xã hội, thực tại ảo, thực tại tương tác, Ngoài ra, văn hoá Internet cũng liên quan đến một số vấn đề văn hoá mới phát sinh do tương tác giữa hai thế giới ảo và thực. Internet là một xã hội “mở”, có tương tác ở mức độ rất cao với xã hội thực nên ngoài những vấn đề văn hoá hình thành bên trong môi trường mạng Internet, còn có những vấn đề văn hoá khác hình thành do sự tương tác giữa Internet với đời sống thực.
1.1.4. Những khía cạnh phản văn hóa của Internet
Việc sử dụng những thành tựu của nền văn minh nhân loại vào những mục đích xấu xa nhằm chống lại nhân loại hay gây ra những điều tệ hại cho cuộc sống con người sẽ là những hiện tượng phản văn hóa. Bên cạnh những vai trò văn hóa hết sức tích cực đối với nền văn minh nhân loại, Internet cũng là nơi mà nhiều khía cạnh phản văn hóa bộc lộ từ rất sớm, thậm chí không có xu hướng suy giảm mà ngày càng hoành hành, trở thành những vấn nạn Internet. Đến nay đã có những khía cạnh phản văn hóa của xã hội Internet được con người nhận diện và tìm cách đối phó cụ thể.
Trước tiên phải kể đến nguy cơ khủng bố qua mạng Internet. Khả năng kết nối tự do xuyên biên giới của Internet đã vô tình biến nó thành “căn cứ địa” ẩn náu an toàn và là “bàn đạp” của những kẻ khủng bố. Lừa đảo qua mạng cũng là một vấn nạn khác của Internet, từ các trường hợp lừa đảo tài chính, làm ăn đến các trường hợp lừa tình. Thực tế này ảnh hưởng trực tiếp đến giới trẻ là những người thường xuyên sử dụng Internet và làm tổn thương sâu sắc đến niềm tin con người trên môi trường Internet, khiến từ “ảo” đi kèm để miêu tả về xã hội Internet như là một thuộc tính của sự lừa đảo, không đáng tin cậy. Internet cũng đang trở thành nguồn quấy rối cá nhân khiến nhiều người không muốn thâm nhập nhiều vào xã hội Internet vì sợ sự riêng tư bị xâm hại. Xâm hại đời tư và nói xấu, vu khống cá nhân trên mạng Internet cũng là một trong những vấn đề nổi cộm nữa về văn hóa người dùng Internet ở một số quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhưng khía cạnh phản văn hóa đáng lo ngại nhất từ xã hội Internet chính là vấn đề tình dục “bẩn”. Bên cạnh việc mở đường cho một xu hướng tự do, cởi mở hơn về tình dục, Internet cũng trở thành “lãnh địa đen” về tình dục, nơi mà hàng loạt những trò tình dục đồi bại có thể được phổ biến và gây ảnh hưởng xấu đến văn hóa nhân loại, tác động nguy hiểm đến lối sống con người. Cuối cùng là vấn nạn đạo văn trên Internet. Kho tư liệu khổng lồ của Internet và sự hỗ trợ của các công cụ tìm kiếm dường như đã khiến cho tình trạng đạo văn trở nên phổ biến hơn rất nhiều. Đạo văn là một thói xấu nghiêm trọng đang phát triển nhanh trên môi trường web.
1.2. Định vị VĂN HOÁ INTERNET
1.2.1. Chủ thể của văn hoá Internet
Đến năm 2013, số người dùng Internet có thể đã chiếm đến 39% dân số toàn cầu, tăng gần 20 lần so với năm 1997. Cộng đồng người dùng Internet toàn cầu có đến hơn một phần tư là sử dụng tiếng Anh, một phần tư là sử dụng tiếng Hoa. Cộng đồng người dùng Internet sử dụng tiếng Tây Ban Nha chiếm 8%. Những cộng đồng ngôn ngữ còn lại có thể xem là thiểu số khi mỗi ngôn ngữ chỉ chiếm một vài phần trăm trong tổng số người dùng Internet. Người dùng Internet cũng được nhận diện là cộng đồng trẻ, nhóm người dùng Internet ở độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ lệ 45% tổng số người dùng.
Đến tháng 9/2012, Việt Nam có 31.196.878 người sử dụng Internet, chiếm 35,49% dân số, trong đó đại đa số là những người thuộc giới trẻ, là học sinh sinh viên. Lý do chính để số “cư dân ảo” học sinh sinh viên chiếm số đông là do chính sách Internet học đường cộng với sự đầu tư ưu tiên của phụ huynh cho con em họ trong việc sử dụng máy tính và học ngoại ngữ như là một yếu tố mấu chốt của giáo dục gia đình ở Việt Nam, đặc biệt là ở khu vực thành phố. Ngoài ra, khả năng tiếp cận công nghệ của giới trẻ cũng là một tác nhân quan trọng.
Có một xu hướng tính cách cần được nhìn thấy ở không ít người dùng Internet, nhất là những người trẻ tuổi. Với tư cách là một thành viên của cộng đồng mạng toàn cầu có tính năng kết nối và hỗn dung văn hoá rất cao, nhiều người dùng Internet có dấu hiệu tiếp cận với xu hướng tính cách đa văn hoá rất rõ rệt. Khả năng tiếp cận các nền văn hoá khác nhau rất dễ dàng kết hợp với việc giao lưu thường xuyên trên môi trường trực tuyến toàn cầu khiến cho các cá nhân có thể hấp thu nhiều mẫu bản sắc văn hoá vùng miền khác nhau, chấp nhận các mối quan hệ giao tiếp đa dạng, cởi mở hơn và sẵn sàng tiếp thu và tham gia công khai những chủ đề giao tiếp nhạy cảm mà trong xã hội truyền thống né tránh.
1.2.2. Không gian của văn hoá Internet
Những vùng “lãnh thổ” riêng biệt thường được xác lập gắn liền với các thế lực công nghệ thông tin và thương mại điện tử hơn là gắn với lãnh thổ quốc gia và dân tộc. Các “lãnh thổ ảo” có đặc điểm cơ bản là đa văn hoá và xuyên biên giới. Các lãnh thổ trên Internet thực chất là các “siêu lãnh thổ” và trong một số trường hợp thì có thể dựa trên ngôn ngữ.
Sự hình thành những mối liên kết xã hội giữa các cư dân mạng và sự phát triển những đặc tính môi sinh của mạng Internet. Chính hai điều kiện này làm cho Internet thật sự có dáng dấp của một xã hội người.
Internet trở thành một “môi trường”, một “hệ sinh thái” với càng ngày càng nhiều các đặc tính “sống” mà các cá nhân khi tham gia vào đó có thể cảm nhận được những giá trị tương tự như cái mà trong đời thực vẫn gọi là “thân phận”, là “sinh mạng”. Hoạt động của các cư dân mạng trên mạng Internet đến nay đã hình thành một số quy ước giao tiếp xã hội, gọi là Netiquette (Net/Internet etiquette). Đó có thể là những quy ước mang tính phổ quát toàn cầu (universal etiquette), nhưng cũng có thể là những quy ước được xác lập trong một cộng đồng mạng cụ thể nào đó. Xã hội Internet cũng dựng lên một số quy tắc ban đầu rất cơ bản để bảo vệ sự an toàn xã hội cho các cư dân mạng. Các hoạt động của con người trên Inernet ngày càng đa dạng: kinh doanh, học tập, giảng dạy, nghiên cứu, hội họp, du lịch, triển lãm, quảng cáo, xuất bản, sáng tác nghệ thuật, chẩn đoán bệnh, viết nhật ký, Nhiều tập quán và quy tắc xã hội đã hình thành trên Internet một cách rõ ràng. Internet rõ ràng là một không gian xã hội, nơi con người thể nghiệm được nhiều hoạt động sống giống như trong xã hội thực. Đến nay, các đặc tính của xã hội Internet về cơ bản đã được nhận diện rõ ràng, dù về từ ngữ có thể những đặc tính này được gọi tên không giống nhau. Đó là những đặc tính : toàn cầu, xuyên biên giới; tự quản và phi tập trung hoá; “truyền khẩu” (word of mouth) và “ẩn danh” (anonymous); cá nhân hoá; phi tuyến.
1.2.2. Thời đại Internet
Sự phát triển vượt bận của nhiều yếu tố công nghệ đã giúp Internet trở thành một “lực lượng sản xuất” hùng mạnh, một nguồn lực phát triển mới đủ khác biệt để đưa lịch sử văn minh nhân loại bước sang một thời đại mới – thời đại Internet. Về căn bản, thời đại Internet được nhận diện bởi một số dấu hiệu, trải dài từ bình diện công nghệ, kinh tế, nghề nghiệp cho đến không gian xã hội, văn hoá. Về công nghệ, đây là thời kỳ mà con người đạt được những bước phát triển đột phá trong xử lý thông tin, lưu trữ và truyền dẫn thông tin, ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong hầu như tất cả các lĩnh vực của xã hội. Về kinh tế, thời đại Internet xác lập một khu vực kinh tế mới mẻ nhưng rất năng động và có độ giãn nở rất cao là công nghiệp thông tin và kinh tế tri thức. Về nghề nghiệp, thời đại Internet cũng chứng kiến sự lên ngôi của những ngành nghề dựa vào nguồn lực thông tin và tri thức. Về không gian xã hội, thời đại Internet được đặc trưng bởi sự phát triển vượt bậc của mạng Internet kết nối toàn cầu, tạo ra những ảnh hưởng đặc biệt lên cách tổ chức không gian, và cả cách tổ chức thời gian của loài người. Giới hạn về không gian được khắc phục đáng kể, dù không hẳn là bị loại bỏ hoàn toàn. Thời gian được “thu nhỏ” lại vì con người có thể tiếp xúc ngay lập tức thông qua mạng Internet và viễn thông. Giddens gọi thực tế này là “nén thời gian/không gian” (time-space compression).
Chương 2
QUAN HỆ GIỮA INTERNET VỚI VĂN HÓA VIỆT NAM
2.1. Internet như một tiểu văn hóa trong văn hóa Việt Nam
Văn hoá Internet Việt Nam đã thật sự trở thành một tiểu văn hoá với những đặc điểm riêng rõ nét trong nền văn hoá Việt Nam. Bản thân tiểu văn hoá Internet với tư cách là một thành phần mới trong lòng hệ thống văn hoá Việt Nam vừa nhận những tác động từ hệ thống lớn đến nó đồng thời cũng trả lại cho hệ thống lớn những tác động do chính nó gây ra. Những vấn đề về mối quan hệ qua lại giữa tiểu văn hoá Internet với văn hoá Việt Nam phần nào được hình dung thông qua những vấn đề về nhận thức, về tổ chức, về ứng xử của người Việt hiện nay đối với Internet.
2.1.1. Nhận thức về Internet
Vốn là một thành tựu của trình độ kỹ thuật hiện đại và văn minh phương Tây, khi được dung nạp vào xã hội giàu truyền thống văn minh nông nghiệp như xã hội Việt Nam, Internet được tiếp nhận với những nhận thức văn hoá khá phức tạp và có phần trái ngược nhau.
Đối với người Việt nói chung, Internet là một hiện hữu của những điều kỳ diệu từ kỹ thuật. Không ít người Việt đã có những kỳ vọng văn hoá hết sức lãng mạn đối với Internet, mà tiêu biểu nhất có thể kể đến những kiểu kỳ vọng như:
Kỳ vọng hiện đại hoá: Internet phát triển ở Việt Nam trong bối cảnh Việt Nam đang đẩy nhanh việc thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá – hiện đại hoá đất nước. Chính vậy, không phải ngẫu nhiên mà Internet trở thành một trong những thành phần của giấc mơ hiện đại hoá ở Việt Nam.
Kỳ vọng quảng bá văn hoá: Trước khi Việt Nam phát triển Internet, các điều kiện về xuất bản và phổ biến thông tin, phổ biến văn hoá của Việt Nam rất hạn chế. Chính vậy Internet với năng lực xuất bản và phát hành rộng toàn cầu đã đem lại hy vọng tốt đẹp cho người Việt trong việc thể hiện ý tưởng cá nhân cũng như quảng bá văn hoá dân tộc.
Kỳ vọng về tiếp nhận văn hoá: điều kiện giao lưu văn hoá của Việt Nam cũng không thật sự dễ dàng do những giới hạn về điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, sự cẩn trọng của Việt Nam trong giao lưu quốc tế không phải là không cần thiết, nhất là trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp. Trong hoàn cảnh đó, nhiều người đã tựa vào Internet với kỳ vọng sẽ thông qua Internet có thể tiếp nhận được nhiều yếu tố bên ngoài để làm mới nền văn hoá Việt Nam.
Bên cạnh những kỳ vọng đầy lạc quan về Internet, không ít người Việt, đặc biệt là những người có xu hướng coi trọng truyền thống, dễ có ý thức cảnh giác về văn hoá (cultural vigilance), rõ nhất là cảnh giác du nhập văn hoá bên ngoài và đánh mất bản sắc văn hoá. Tiêu biểu cho lối nhận thức cảnh giác về văn hoá đối với Internet là quan điểm xem Internet là “thuộc về phương Tây” và là một biểu hiện của hiện đại hoá, của toàn cầu hoá. Những công nghệ kết nối mới, những dòng thông tin tự do trên Internet được nhìn nhận như là “con dao hai lưỡi” đối với nền văn hoá Việt. Chúng có thể mang lại cơ hội mới để văn hoá Việt Nam tiếp nhận tinh hoa văn hoá thế giới và giới thiệu bản sắc văn hoá dân tộc ra bên ngoài, nhưng tác hại của chúng cũng không ít và khôn lường. Sự điều chỉnh một cách hài hoà giữa việc giữ gìn văn hóa dân tộc và tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại là một trong những thách thức lớn.
2.1.2. Tổ chức và quản trị Internet
Xã hội Internet cũng chịu sự phân tầng khá sâu sắc thành nhiều nhóm phân bố ở 4 phân vùng khác nhau: 1) Vùng lõi kiến tạo (giới kỹ trị); 2) Vùng ảnh hưởng (giới chủ thông tin); Vùng thực thi (người tham dự, giới hiệp sĩ, kẻ nổi loạn); Vùng quan sát (giới quan sát).
Tư duy quản lý Internet hiện nay ở Việt Nam vẫn cho thấy ảnh hưởng rõ ràng của tư duy tập quyền và văn hóa làng xã đang được áp đặt lên một đối tượng có đặc điểm và bản chất văn hóa hoàn toàn ngược lại. Trước hết là tư duy tập quyền, phản ánh qua tham vọng muốn kiểm soát chặt chẽ các hoạt động trên xã hội Internet, kể cả hoạt động phát ngôn cá nhân, quản lý thời gian chơi game online Thứ hai là thói quen văn hóa làng xã, nghĩ Internet Việt Nam cũng như một làng xã riêng sau “lũy tre xanh” mà có thể áp đặt cho nó những ngăn cấm cục bộ, quên mất rằng Internet vốn là không gian toàn cầu xuyên biên giới, nên những chuyện như cấm dịch vụ game online Việt Nam, cấp phép quảng cáo online, Dước góc nhìn văn hóa, những mâu thuẫn và bất cập nói trên về tư duy quản lý Internet thực chất cũng phản ánh sự chưa tiếp cận thấu đáo các đặc tính văn hóa hoàn toàn khác biệt của xã hội Internet. Thực tế này cũng cho thấy Việt Nam chưa có chiến lược văn hóa thật sự đủ hiệu lực để ứng phó với các vấn đề mới phát sinh trong xã hội Internet.
Việt Nam cũng đã phải đối mặt với vấn đề tổ chức xã hội Internet như thế nào để phù hợp với tập quán quản lý truyền thống của Việt Nam. Tiêu biểu nhất là vấn đề tổ chức các website và các diễn đàn (forum). Qua quan sát 123 website của các tỉnh thành, các trường đại học, các doanh nghiệp và các tổ chức mà luận án chọn khảo sát, có thể nhận thấy sự ảnh hưởng của không gian công quyền khiến phần lớn các website của các doanh nghiệp, trường học, cơ quan, tổ chức ở Việt Nam trở nên rất nặng nề về nội dung và mang đậm tính quan liêu, sao vào xu hướng tổ chức nội dung website nhấn mạnh vào chính mình (agent-oriented). Trong danh sách 40 website đại học mà luận án chọn khảo sát có đến 90% (36/40) các website có xu hướng này. Tỷ lệ này ở nhóm các website doanh nghiệp là 73% (29/40). Một vấn đề khác là website Việt Nam thường tổ chức khép kín, ít tương tác với các yếu tố bên ngoài của xã hội Internet.
2.1.3. Ứng xử của người Việt với Internet
Qua khảo sát thực tế các hoạt động Internet biểu hiện qua website, có thể nhận thấy người Việt hiện nay có ba kiểu thái độ khai thác Internet khác nhau. Kiểu thái độ thứ nhất muốn khai thác Internet chủ yếu như một phương tiện mở rộng cho các hoạt động thực. Kiểu thái độ thứ hai muốn khai thác Internet như một phương tiện thay thế cho những hoạt động thực. Còn kiểu thái độ thứ ba muốn khai thác Internet như một phương tiện mới mà hoạt động thực chưa từng có. Ba kiểu thái độ vừa nêu cũng có thể xem là tương ứng với ba mức trình độ khai thác Internet sau đây:
Trình độ 1: Internet được khai thác để mở rộng phạm vi và tác dụng của các hoạt động thực. Trình độ 2: Internet được khai thác để thay thế hẳn cho các hoạt động thực. Trình độ 3: Internet được khai thác để thực hiện một số hoạt động mới mà chỉ Internet mới làm được, mới có thể.
Bên cạnh việc khai thác, cũng có cả tình trạng lạm dụng Internet gây ra nhiều ảnh hưởng xấu. Có hai đặc điểm chính phản ánh sự lạm dụng của người Việt đối với Internet là lạm dụng việc đăng lại (re-post) thông tin website và lạm dụng dịch vụ chat. Nguyên nhân lạm dụng việc đăng lại trước hết là khung pháp lý và thực hành về quyền tác giả ở Việt Nam còn nhiều lỏng lẻo. Thứ hai là sự nhầm lẫn về chức năng thông tin của nhiều website thuộc các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Thứ ba là thói quen “sở hữu nhỏ” của người Việt, muốn đưa mọi thứ về ngay máy chủ “nhà” mình
Về hiện tượng lạm dụng chat, chúng tôi cho rằng người Việt vốn không thích nói thẳng, trong giao tiếp họ thường chọn cách nói vòng, nói tránh, vấp phải rào cản tâm lý, ngại ngùng diễn đạt suy nghĩ của bản thân. Chat cho phép người Việt vượt lên trên rào cản đó nhờ sự gián cách của giao tiếp CMC.
Internet cũng đem đến nhiều nỗi lo. Ngoài những mối lo kỹ thuật, phải kể đến là những mối lo trong phạm vi văn hoá gia đình và trong phạm vi văn hoá trường học. Trước hết là vấn đề giới trẻ ứng phó với những nguy cơ từ Internet, thứ nữa là vấn đề người lớn ứng phó với Internet để bảo vệ thế hệ trẻ trước những nguy cơ từ Internet. Cách mà giới trẻ hiện nay tự ứng phó với Internet rất khác với cách mà người lớn áp dụng. Giới trẻ Việt Nam có xu hướng sử dụng sức mạnh cộng đồng và chia sẻ của mạng để có được sự bảo vệ cần thiết cho bản thân. Giới trẻ chủ động và tự tin hơn trong việc tiếp cận xã hội Internet, biết dùng chính Internet để ứng phó với Internet. Đó là cách ứng phó của “người trong cuộc” vốn có khả năng am hiểu về bản thân Internet. Và cách ứng phó đó cũng dẫn đến quá trình tự thích nghi của giới trẻ đối với văn hoá Internet đang hình thành.
2.2. Các thế đối lập văn hóa giữa xã hội Internet với văn hóa Việt Nam
Xã hội thực và xã hội Internet đang cùng tồn tại trong mối quan hệ tác động qua lại, và cũng đang tồn tại những giá trị đối ngược nhau cần được nhận diện. Các thế đối lập chính giữa xã hội thực và xã hội Internet mà luận án chỉ ra bao gồm: đối lập văn hóa ưu tú – văn hóa đại chúng, đối lập tĩnh – động, đối lập đóng – mở, đối lập định cư – du cư, đối lập tự trị làng xã – toàn cầu hóa, đối lập đồng nhất bản sắc – đa dạng cá nhân hóa.
Chương 3
MỘT SỐ BIẾN ĐỔI VĂN HÓA VIỆT NAM
DƯỚI TÁC ĐỘNG CỦA XÃ HỘI INTERNET
3.1. Một số biến đổi văn hóa cá nhân dưới tác động của xã hội Internet
3.1.1. Văn hóa thể hiện bản thân
Văn hóa cá nhân được hiểu là những gì liên quan đến nhận thức về giá trị bản thân, hoạt động và tương tác của cá nhân, là lối sống, phong cách và giá trị riêng của cá nhân trong đời sống, là cách lựa chọn các giá trị văn hóa chung để mỗi cá nhân tham gia vào đó. Một khía cạnh khác, cực đoan, về văn hóa cá nhân, liên quan đến sự trỗi dậy của Cái Tôi, Cái Cá nhân trong tương quan với những gì được xem là Cái Chung, Cái Tập thể.
Internet “kiến tạo lãnh địa” để mọi cái Tôi cá nhân vượt qua các rào cản văn hóa hiện hữu và tự thể hiện bản thân một cách tự do. Internet đang khiến nền văn hóa Việt Nam vốn thiên về “tập thể chủ nghĩa” chuyển dịch ngày càng nhanh về phía “cá nhân chủ nghĩa”. Trước hết, Internet và sự phát triển công nghệ đã “vũ trang” cho các cá nhân những “vũ khí” lợi hại để sáng tác, trong đó bao gồm cả sáng tác về chính cá nhân mình, và xuất bản những sáng tác ấy lên môi trường Internet một cách hết sức dễ dàng.
Nhưng Internet cũng tạo điều kiện để “ảo tưởng hóa” cái Tôi, khiến cái Tôi của không ít cá nhân “nở ra” vô độ trên Internet và gây ra nhiều hiệu ứng xấu như chụp ảnh “khoe hàng” ở giới trẻ mới lớn. Điều đáng nói là những hiệu ứng xấu đó được truyền thông và có dấu hiệu lây lan trên môi trường Internet, ảnh hưởng đến nhận thức hành vi của một bộ phận thanh niên, dễ gây ra cho họ ảo tưởng về việc tạo ấn tượng hay phong cách cá nhân bằng mọi cách, kể cả việc khoe cơ thể. Cái Cá nhân bị biến dạng thành cá nhân nguy hiểm và tổn hại cho sự cố kết của xã hội truyền thống. Thực tế này trái ngược hoàn toàn với truyền thống văn hóa Việt Nam vốn đề cao sự tế nhị và kín đáo, nhất là với nữ giới. Tuy nhiên, các dấu hiệu phản vệ từ truyền thống văn hóa dù không hề yếu ớt nhưng lại ít hiệu quả. Lý do là vì, các phản ứng chủ yếu là chỉ trích nặng lời, là “ném đá”, nhưng lại không đi cùng với những điều chỉnh đủ sâu sắc và có hệ thống về phương diện văn hóa, giáo dục, đạo đức, xã hội, pháp luật nên về cơ bản là không ngăn chặn được những hiệu ứng xấu này.
Sự bùng nổ của cái Tôi cá nhân chủ nghĩa trên mạng Internet chắc chắn sẽ dẫn đến những rạn nứt không nhỏ trong đời sống văn hóa Việt Nam – nơi mà những giá trị hướng tập thể chủ nghĩa được đại diện bởi cái Ta vẫn đang ngự trị như một chuẩn mực xã hội. Internet có hậu thuẫn nhiều điều kiện để các cá nhân lên tiếng, và thậm chí là tìm được vô số cách thức “đào thoát” khỏi những ràng buộc và quan niệm truyền thống, góp phần phá vỡ một vài trật tự truyền thống. Khối cộng đồng truyền thống trên thực tế thường bao gồm nhiều cộng đồng nhỏ kiểu làng xã, kiểu gia đình có tính cố kết và bảo thủ rất cao, liên hệ với nhau trên cơ sở bản sắc chung, đồng nhất về giá trị, hướng về tính cộng đồng. Vì thế, mô hình cộng đồng truyền thống Việt Nam có xu hướng là mô hình tuyến tính có trật tự gia đình – làng xã – làng nước rất rõ ràng. Trên thực tế, có thể Internet đã làm thay đổi mô hình truyền thống đó. Internet nạp “năng lượng” cho các phần tử trong mỗi cộng đồng để các phần tử này tự nhận biết về bản thân, tăng cường liên hệ kết nối với bên ngoài, từ đó tự chuyển động nhanh hơn và bứt phá ra khỏi khuôn khổ của các tiểu cộng đồng truyền thống. Những ràng buộc văn hóa bên trong mỗi cộng đồng làng xã trở nên chật hẹp, lỗi thời và bị thay thế dần. Sự đào thoát của các cá nhân khỏi các tiểu cộng đồng như gia đình, làng xã đã tạo nên những liên kết bắt chéo giữa các thành viên trong nhiều cộng đồng với nhau và phá vỡ quá trình hướng nội vốn có của cộng đồng truyền thống. Internet còn tạo điều kiện để các cá nhân tham gia vào quá trình toàn cầu hóa trên phương diện thông tin và kết nối liên nhân (interpersonal) nên các liên kết bắt chéo giữa các cá nhân còn vượt ra khỏi giới hạn của cộng đồng làng nước. Sự phát triển các mối quan hệ liên nhân theo hướng đó chắc chắn sẽ làm chuyển đổi mô hình cộng đồng từ hướng nội phát triển thành hướng ngoại, từ tuyến tính chuyển thành phi tuyến tính. Mô hình cộng đồng phi tuyến tính với năng lực tự kết nối cá nhân rất cao như vừa phân tích có thể xem là một “siêu cộng đồng” (hyper-community) phù hợp với bối cảnh xã hội hậu hiện đại.
3.1.2. Lối sống và tập quán cá nhân
Tập quán ngủ sớm – dậy sớm của người Việt đang chịu ảnh hưởng bởi cách sử dụng thời gian trên Internet. Khảo sát của chúng tôi về thời gian truy cập Internet của người dùng cho thấy, tỷ lệ người dùng có truy cập Internet từ sau 22 giờ đến 24 giờ chiếm tổng cộng 77%, truy cập Internet sau 24 giờ chiếm tổng cộng 50% số người dùng Internet tham gia trả lời khảo sát. Việc truy cập Internet nhiều vào đêm khuya sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến mốc thời gian thức dậy buổi sáng. Tỷ lệ người dùng Internet Việt Nam dưới 30 tuổi có thói quen truy cập Internet thường xuyên sau 22 giờ trong khảo sát của chúng tôi là 78,2%, trong đó 42,8% thường xuyên truy cập Internet sau 24 giờ. Tỷ lệ thời gian hoạt động ban đêm nhiều hơn trên thế giới ảo có thể dần dần sẽ tác động và chuyển đổi chu kỳ ngủ - thức “kiểu chiền chiện” của người Việt trẻ sang chu kỳ “kiểu cú”. Nhưng xã hội truyền thống Việt Nam về cơ bản vẫn đang theo chu kỳ ngủ - thức “kiểu chiền chiện”. Thực tế này khiến cho những người chịu ảnh hưởng của chu kỳ ngủ - thức “kiểu cú” sẽ gặp khó khăn.
Kiểu làm việc phổ biến trên Internet hiện nay của nhiều người là kiểu làm việc đa nhiệm (multitasking), nhưng là kiểu đa nhiệm đồng thời (concurrent multitasking - CMT), nghĩa là người làm việc trên mạng thường có xu hướng cùng một lúc làm nhiều việc, mà phổ biến nhất là kiểu vừa làm việc – vừa giải trí – vừa giao tiếp.
Lối sống di động là một dấu hiệu nhận diện khá điển hình đối với các “công dân” của xã hội Internet, hậu thuẫn cho sự hình thành những nếp nghĩ mới và thói quen văn hoá kiểu “du cư”, trở thành một trong những nhân tố quan trọng góp phần làm cho tinh thần cá nhân ngày càng phát triển hơn.
3.2. Một số biến đổi văn hóa cộng đồng dưới tác động của xã hội Internet
3.2.1. Biến đổi văn hóa giao tiếp xã hội
Bối cảnh xã hội mới với sự phát triển mạnh mẽ của môi trường mạng Internet đã làm thay đổi rõ rệt những tập quán văn hoá giao tiếp của con người. Nếu quá chú trọng vào giao tiếp trong xã hội ảo trên Internet thì con người lại đánh mất cơ hội về giao tiếp trong xã hội thật và ngược lại. Mâu thuẫn này chưa được giải quyết hợp lý và càng ngày càng có xu hướng nhân loại đang phải trả giá cho tình trạng giới trẻ sa vào đời sống giao tiếp ảo nhiều hơn đời sống giao tiếp thật. Xã hội người dùng Internet Việt Nam cũng cho thấy có không ít người mắc phải những chứng tật của căn bệnh quá ngưỡng về giao tiếp.
Tình trạng quá ngưỡng về giao tiếp sẽ dẫn đến hai hậu quả chính: một là sự suy giảm đáng kể các cơ hội và kỹ năng giao tiếp trong xã hội thực; và hai là mức độ giao tiếp giữa người với người sẽ trở nên hời hợt và đùa cợt do mỗi ngày người ta phải tham gia quá nhiều cuộc giao tiếp. Những hệ luỵ tiếp theo của thực trạng giao tiếp này còn chưa được lường hết.
Trong bối cảnh mà Internet có thể tạo ra một môi trường kết nối xã hội toàn cầu thì kịch bản các nền văn hoá khác nhau của các cộng đồng, của các dân tộc khác nhau có sự kết hợp với nhau để tạo nên một nền văn hoá chung cũng là một xu hướng tất yếu. Tác nhân quan trọng của quá trình phát triển này cũng là các hoạt động giao tiếp được thực hiện ở quy mô toàn cầu nhờ một số nhân tố kỹ thuật đặc biệt như mạng Internet. Bối cảnh toàn cầu hoá giao tiếp – bối cảnh mà các phương tiện truyền thông mới (new media), đặc biệt là Internet, nổi lên như một tác nhân trọng yếu thúc đẩy sự hình thành một thực tế mới về văn hoá mà đến nay có thể tạm gọi là “văn hoá thế giới” (world culture).
Internet cũng tạo ra một bối cảnh giao tiếp xã hội có nhiều biến đổi so với trước. Lĩnh vực giao tiếp điện tử phát triển vượt bậc, làm thay đổi sâu sắc tập quán giao tiếp của con người. Những mô tả về sự biến đổi này có thể hình dung như sau: 1) Giao tiếp xuyên không gian giữa cá nhân với cá nhân được mở rộng tối đa ; 2) Kết nối giao tiếp giữa cá nhân với cá nhân trở nên dễ dàng hơn rất nhiều ; 3) Giao tiếp nhập vai (in-role communication) đã tạo điều kiện cho các cá nhân có thể có những trải nghiệm mô phỏng đời thực ; 4) Giao tiếp ẩn danh (anonymous) được hậu thuẫn bởi môi trường Internet, trở thành một trong những vấn đề về văn hoá giao tiếp qua mạng ; 5) Giao tiếp qua mạng xã hội trở thành một trào lưu mới.
3.2.2. Một số tập quán mới giao tiếp và ứng xử cộng đồng của người Việt trên Internet
Giao tiếp thư tín là một trong những tập quán văn hoá lâu đời của nhân loại, nhưng cũng chính lĩnh vực này là lĩnh vực chịu ảnh hưởng trước tiên và biến đổi sâu sắc dưới tác động của Internet. Ở Việt Nam, tập quán giao tiếp thư tín cũng có những thay đổi quan trọng. Tập quán viết thư trên giấy và gửi qua đường bưu điện (gọi tắt là thư bưu điện) của cá nhân cho cá nhân dường như đã bị mai một, đặc biệt là ở khu vực đô thị. Thư điện tử (email) trở thành một yếu tố thay thế.
Giao tiếp ẩn danh là một hiện tượng không mới trong đời sống giao tiếp, nhưng môi trường Internet với các cơ hội giao tiếp ẩn danh rất thuận tiện đã tạo nên một làn sóng về bộc lộ con người cá nhân thái quá trong cộng đồng người Việt trên mạng.
Kết bạn trên mạng là một trong những xu hướng nổi bật của giao tiếp trên Internet. Sự hậu thuẫn của Internet cho việc phát triển các kết nối giữa cá nhân với cá nhân trên Internet đã dẫn đến một sự thay đổi quan trọng trong nhận thức của người Việt về kết bạn.
Một trong những hành vi xã hội phổ biến trong đời sống mạng hiện nay là hành vi bấm nút Like . Nút bấm này trở thành một công cụ để cộng đồng Internet góp phần xây dựng và ủng hộ những chuẩn mực “dân gian” của xã hội Internet.
Đặc tính lan truyền của xã hội Internet cũng đã là điều kiện góp phần tạo ra một thực tại xấu trong đời sống xã hội Internet Việt Nam. Đó là nạn chửi rủa vô tội vạ và hùa nhau chỉ trích, chửi mắng, phê phán một đối tượng nào đó theo kiểu “đánh hội đồng” (“ném đá”).
3.3. Một số biến đổi văn hóa gia đình dưới tác động của xã hội Internet
3.3.1. Ý niệm mới của người Việt về “nhà” và “cư trú” trên Internet
Ý niệm về cư trú dường như không chỉ có trong xã hội thực. Nhiều biểu hiện cho thấy ý niệm này cũng hình thành ngay trong xã hội Internet của người Việt. Không phải ngẫu nhiên mà những người tham gia xã hội Internet được gọi là “cư dân mạng” (Internet inhabitant). Tuy nhiên, ý niệm này trong cộng đồng người Việt dường như rõ ràng hơn rất nhiều. “Nhà” là từ ngữ trực tiếp phản ánh ý niệm về cư trú. Khái niệm “nhà” được phát triển trong xã hội Internet với những ý nghĩa gần gũi như trong đời sống thực. Đã có ý niệm về “nhà” trên Internet thì cũng sẽ có ý niệm về “hàng xóm” trên Internet.
3.3.2. Mở rộng quan hệ gia đình trên Internet
Giới trẻ hiện nay có xu hướng chấp nhận những mối quan hệ mà họ gọi là “quan hệ gia đình” trên môi trường ảo. Đó là những mối quan hệ không liên quan đến huyết thống, mà liên quan đến mức độ cố kết xã hội và chia sẻ cá nhân giữa họ với ai đó trên môi trường giao tiếp Internet. Những kiểu quan hệ gia đình trên môi trường ảo thật ra chỉ là một kiểu quan hệ có tính ước định mà nhiều người xác lập để chuyển tải những mức độ chia sẻ cá nhân với nhau mà thôi. Những mối quan hệ kiểu này cũng dễ thay đổi. Nó là kiểu ánh xạ của các mối quan hệ bạn bè giữa người này với người kia ở trên mức bạn thân tại thời điểm nào đó. Đây là một hiện tượng mới phát sinh những năm gần đây.
3.3.3. Sự thoát ly của trẻ vị thành niên khỏi gia đình qua “cánh cổng” Internet
Có những dấu hiệu rõ ràng về phương diện xã hội cho thấy, hiện tượng trẻ em, đặc biệt là lứa tuổi teen, thông qua “cánh cổng” Internet, đang thoát ra khỏi sự kiểm soát và che chở của người lớn để bước vào một cuộc sống tự lập trên mạng, trong khi ngoài đời thực, nhiều người trong số họ vẫn là những đứa trẻ muốn kéo dài tuổi thơ để tận hưởng hiệu ứng “gấu bông”.
Máy tính ngày càng rẻ, kết nối Internet dễ dàng và điều kiện kinh tế được cải thiện đã đem đến cho trẻ vị thành niên cơ hội Internet phòng riêng. Với Internet phòng riêng, giới trẻ có nhiều điều kiện hơn để thâm nhập sâu vào xã hội Internet, tự trải nghiệm nhiều chủ đề thông tin, nhiều hoạt động giao tiếp, nhất là giao tiếp với người lạ, mà người lớn xem là nhạy cảm và có xu hướng muốn ngăn cấm.
KẾT LUẬN
Văn hoá Internet đã trở thành một bộ phận quan trọng của văn hoá Việt Nam đương đại. Xã hội Internet Việt Nam phát triển với tốc độ rất nhanh trong những năm gần đây, các năng lực người dùng Internet Việt cũng tăng trưởng đáng kể khiến cho các kết nối xã hội trong môi trường Internet càng ngày càng trở nên phổ biến. Văn hoá Internet Việt định vị một cách rành mạch trong lòng hệ thống văn hoá Việt Nam với những giá trị đặc thù trên hệ toạ độ Chủ thể - Không gian - Thời gian.
Tại thời điểm này, nhóm chủ thể quan trọng nhất của văn hoá Internet Việt có thể xác định là thế hệ người Việt trẻ có độ tuổi từ 35 trở lại, tức là thuộc thế hệ 7x về sau. Họ chủ yếu phân bố ở khu vực đô thị và nông thôn cận đô thị. Tuy nhiên, trong một tương lai dân số được dự báo, chủ thể văn hoá Internet Việt Nam trong một tương lai không xa nữa sẽ là đại đa số người dân Việt Nam, chứ không chỉ còn là nhóm dân số trẻ tập trung ở khu vực đô thị như hiện nay.
Không gian văn hoá Internet Việt Nam sẽ rời bỏ những ý niệm không gian văn hoá truyền thống như không gian làng xã, không gian nước với nhiều phép tắc, quy củ ràng buộc để tiếp cận với những ý niệm không gian “mờ” hơn, tự do hơn và vì thế mà cũng ít quy củ hơn.
Việt Nam vốn vẫn còn chịu sự chi phối sâu sắc của mô hình văn hoá nông nghiệp truyền thống, mà về thời gian thì các trình tự gieo - gặt, luân phiên mùa vụ là chủ đạo, ăn sâu vào tâm thức và hành xử văn hoá, khó lòng thay đổi. Nhưng Internet đã làm thay đổi căn bản các trục thời gian đó. Trình tự gieo - gặt là không nhất thiết, luân phiên mùa vụ cũng là lãng phí, Internet dựng lên một lưới thời gian thực hoàn toàn phi tuyến tính để người dùng Internet có thể đồng thời thực hiện nhiều việc mà trước đây phải chờ đợi luân phiên tuần tự.
Những đặc điểm riêng của xã hội Internet Việt Nam cũng đã được xác lập rõ ràng, và luận án đã cố gắng mô tả trong luận án nhiều vấn đề liên quan đến việc nhận diện xã hội Internet. Đó là những vấn đề về cấu trúc tổ chức xã hội Internet như các yếu tố, sự phân tầng. Đặc biệt, luận án đã tiến hành đặc tả xã hội Internet dưới góc nhìn văn hoá – xã hội để chỉ ra những đặc tính quan trọng của không gian xã hội Internet.
Luận án cũng cố gắng phân tích sự biến đổi văn hoá diễn ra cùng với sự sao chép văn hoá từ xã hội thực sang xã hội Internet ở một số lĩnh vực văn hoá tiêu biểu như văn hoá cá nhân, văn hoá cộng đồng và văn hoá gia đình.
Tính cộng đồng và văn hoá làng xã dường như vẫn là những giá trị bản sắc văn hoá Việt khó phai mờ, ngay cả trên môi trường Internet. Nét bản sắc này đem lại cho diện mạo Internet nhiều nét điểm xuyết riêng biệt, từ các vấn đề nội dung đến các biểu hiện hình thức của các hiện tượng Internet. Truyền thống dung hợp văn hoá của cộng đồng người Việt dường như là lý do khiến cộng đồng Internet Việt Nam vẫn có hứng thú hơn với các “hỗn hợp” văn hoá Internet có sự pha trộn của nhiều yếu tố và sắc thái khác nhau, hơn là với những sản phẩm văn hoá Internet đơn biệt.
Luận án đã cung cấp nhiều dẫn liệu và lập luận cho thấy xã hội và văn hoá thực của Việt Nam đang chịu một áp lực rất lớn từ Internet để thay đổi, đồng thời cũng nhận một động lực lớn từ Internet để thay đổi. Áp lực thì đến từ sự “soán ngôi” chủ thể văn hoá của giới trẻ. Họ mới thực sự là chủ nhân mới của nền văn hoá Internet và sử dụng Internet để “tấn công” trở lại những khuôn phép truyền thống mà giờ đây họ cho là chật hẹp với con người tự do cá nhân của họ. Còn động lực thì đến từ các thế đối lập có tính nguyên lý trong mới quan hệ tương tác giữa xã hội Internet với văn hoá Việt Nam truyền thống.
Cú sốc văn hoá nặng nề mà Internet đem lại cho văn hoá truyền thống Việt Nam chính là “quả bom sex” và làn sóng cách mạng tình dục đang dấy lên trên xã hội Internet. Điều bị xem là cấm kỵ hàng đầu trong văn hoá Việt Nam truyền thống đã trở thành chuyện bình thường như cơm bữa trên đời sống Internet hiện nay.
TP.HCM, tháng 05 năm 2014
Người viết
Các file đính kèm theo tài liệu này:
- xa_hoi_internet_va_van_hoa_viet_nam_duong_dai_3363.doc